Khi các TikToker lấn sân tư vấn hướng nghiệp, không ít video “chê” ngành học vô dụng xuất hiện. Theo chuyên gia, nội dung những video đó đều không có giá trị định hướng nghề nghiệp.
Để tìm hiểu thêm về hoạt động tư vấn hướng nghiệp của các TikToker, Zing gõ thử từ khóa "bằng đại học" trên thanh tìm kiếm của TikTok, gợi ý đầu tiên hiện ra là "bằng đại học vô dụng".
“Sau đây là danh sách những bằng đại học vô dụng”, “Danh sách những bằng đại học vô dụng chúng ta không nên đăng ký học nha các bạn”, “Sau đây là danh sách 4 bằng đại học vô dụng nhất Việt Nam”...
Đó là câu mở đầu cho hàng loạt video của các TikToker khi bàn luận về những tấm bằng đại học được họ cho là "vô dụng nhất". Không rõ lý do gì nhưng hầu hết ngành được TikToker nhắc đến là Quản trị kinh doanh, Quản trị nhân sự, Ngôn ngữ Anh và Marketing.
Ví dụ, TikToker @phuonguyen_healthy cho rằng Quản trị kinh doanh là tấm bằng đại học vô dụng vì ngành này “học rất chung chung, ra trường chỉ có 2 cơ hội nghề nghiệp là sale và marketing”.
TikToker này cũng nêu Ngôn ngữ Anh là ngành học vô dụng vì thời đại này, không ai không biết tiếng Anh. Cô khuyên các bạn trẻ nên học ngành khác, sau đó học thêm IELTS là được.
Trong khi đó, bàn về việc học Marketing, TikToker @huydao cho rằng thời này không nhất thiết phải có bằng Marketing mới làm marketing được. Theo người này, kiến thức Marketing được dạy trong trường rất lỗi thời, các bạn có thể tự học tất cả trên mạng, thậm chí tự làm để có kinh nghiệm thay vì học đại học.
Còn về Quản trị nhân sự, @huydao cho rằng ngành này đòi hỏi kỹ năng mềm, không có bằng đại học cũng có thể làm việc.
Dự định đăng ký ngành Quản trị kinh doanh của Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM nhưng thời gian vừa rồi, Nguyễn Linh (học sinh lớp 12 tại Hà Nội) lại có phần băn khoăn với kế hoạch này.
Nam sinh cho biết mấy ngày trước, khi lướt TikTok, em gặp phải video review ngành học em định theo đuổi. Tò mò tìm thêm một số video khác, nam sinh không khỏi hoang mang khi hầu hết nội dung đều “chê” ngành Quản trị kinh doanh.
“Họ nói ngành này không đáng để học, thừa thời gian mới học ngành đó, ra trường thiếu việc làm… Dù biết ngành học nào cũng có 2 mặt, tuy nhiên, nhiều người nói vậy cũng khiến em bối rối mất mấy ngày", Linh nói.
Khác với Linh, sau khi xem những video cho rằng “không nên học ngành Marketing”, “bằng Marketing vô dụng", Lương Hậu (23 tuổi) hoàn toàn phản đối quan điểm trên.
Theo Hậu, đa số người xây dựng nội dung như vậy đều có góc nhìn hẹp, chung chung, không đưa ra căn cứ và không phân tích rõ ràng lý do không nên học, dễ gây ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh THPT.
Từng là sinh viên ngành Marketing (Đại học Thương mại), Hậu cho biết sinh viên ngành này có những thứ nếu không học tại trường sẽ khó có được.
Cụ thể, kiến thức đại học giúp Hậu có nền tảng vững chắc trong lĩnh vực của mình. Nhờ đó, cô có thể nâng cao khả năng phân tích và giải quyết vấn đề, tư duy logic. Những điều này, các bạn học trái ngành hoặc không học đại học sẽ phải mất rất nhiều thời gian để rút ra được bài học cho mình.
Bên cạnh đó, việc theo học ngành Marketing ở bậc đại học giúp Hậu có cơ hội tiếp cận chuyên gia, giảng viên giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực Marketing cũng như tiếp cận cơ hội nghề nghiệp thông qua các chương trình thực tập, chương trình tuyển dụng, thay vì vất vả tìm kiếm.
"Một số người không học Marketing vẫn có thể làm ngành này, tuy nhiên, liệu có bao nhiêu người quyết tâm theo đuổi từ con số 0", Hậu nói.
Ngoài ra, Hậu cho rằng quan điểm “kiến thức Marketing trong trường hiện rất lỗi thời, tất cả kiến thức có thể tự học trên mạng” chỉ đúng một nửa.
Theo Hậu, việc học trên mạng có thể linh hoạt, tiết kiệm thời gian và tiền bạc, nhưng không phải tất cả kiến thức về Marketing đều có thể học qua hình thức đó.
“Nhiều khía cạnh của Marketing như nghiên cứu thị trường, quản lý thương hiệu (đòi hỏi chuyên sâu và kinh nghiệm thực tiễn) không thể đạt được chỉ bằng việc học trên mạng”, Hậu nói.
Tuy nhiên, Hậu cũng nhận định bản chất marketing là thường xuyên thay đổi, liên tục xuất hiện xu hướng mới, việc học ở trường có thể chưa đáp ứng được hết nhu cầu thực tế của ngành. Vì vậy, song song với việc học ở trường, việc học thêm bên ngoài là điều nên làm.
Cả Lương Hậu và Hương Quỳnh đều lo ngại những video được cho là hướng nghiệp trên TikTok sẽ ảnh hưởng không tốt đến học sinh THPT. Ảnh: The Verge.
Cả Lương Hậu và Hương Quỳnh đều lo ngại những video được cho là hướng nghiệp trên TikTok sẽ ảnh hưởng không tốt đến học sinh THPT. Ảnh: The Verge. |
Tương tự Hậu, khi xem những video TikTok trên, Hương Quỳnh (cựu sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) giật mình vì nội dung video quá một chiều và có phần phi lý.
Theo Quỳnh, đúng là thời này ai cũng biết tiếng Anh, nhưng ngành Ngôn ngữ Anh không dừng lại ở việc chỉ dạy tiếng Anh mà còn dạy nhiều khía cạnh khác như văn hóa, con người, văn học, cách ứng dụng ngôn ngữ trong những ngành khác, ví dụ biên phiên dịch, tiếng Anh du lịch, tiếng Anh thương mại…
Là người từng học 4 năm ngành Ngôn ngữ Anh, cá nhân Hương Quỳnh thấy ngành ngôn ngữ nói chung và Ngôn ngữ Anh nói riêng không hề vô dụng như TikToker nói vì sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau như báo chí, truyền hình, kinh tế, sư phạm, biên - phiên dịch…
Nhận thấy những video có nội dung như vậy thu hút khá nhiều lượt xem trên TikTok, Hương Quỳnh bày tỏ sự lo ngại vì đây đều những video định hướng thiếu chuyên môn và gây ảnh hưởng trực tiếp đến các bạn trẻ, nhất là các học sinh sắp chọn ngành và các sinh viên đang mông lung về ngành học tương lai.
Bàn về những video “bằng đại học vô dụng” trên TikTok, bà Phạm Chi, chuyên viên tâm lý - hướng nghiệp, nhà sản xuất chương trình Gõ cửa nghề nghiệp của VTV7, cho rằng đây đều là những nội dung phiến diện, không có giá trị định hướng nghề nghiệp.
Các TikToker có thể đăng video để thể hiện quan điểm cá nhân, nhưng các video đó không thể được coi là nội dung hướng nghiệp bài bản. Do đó, việc gắn hashtag #huongnghiep, #tiktokhuongnghiep như các TikToker đang làm là không ổn.
Bà Chi nhận định có thể các TikToker chỉ đang nhìn vào bề nổi của việc học đại học là hiện nay nhiều trường đang đào tạo những ngành đó và có sinh viên đi làm trái ngành. Tuy nhiên, một điều các bạn trẻ cần biết là nhiệm vụ của trường đại học không phải trao công việc cho sinh viên mà là trang bị cho các bạn những yếu tố cần thiết để tìm việc và đi làm.
Bà Phạm Chi cho rằng các TikToker có thể đăng video để thể hiện quan điểm cá nhân, nhưng các video đó không thể được coi là nội dung hướng nghiệp bài bản. Ảnh: NVCC.
Bà Phạm Chi cho rằng các TikToker có thể đăng video để thể hiện quan điểm cá nhân, nhưng các video đó không thể được coi là nội dung hướng nghiệp bài bản. Ảnh: NVCC. |
“Tấm bằng đại học là chứng nhận đảm bảo bạn là người đã được rèn luyện những yếu tố mà nhà tuyển dụng yêu cầu, bao gồm kiến thức chuyên môn, kỹ năng làm việc, thái độ làm việc. Đó là những điều trường đại học có thể đảm bảo cho bạn”, bà Chi nêu quan điểm.
Lấy ví dụ về Quản trị kinh doanh - ngành bị các TikToker cho là vô dụng bậc nhất - bà Phạm Chi so sánh một người chỉ biết bán hàng với một người học Quản trị kinh doanh, rõ ràng người học Quản trị kinh doanh sẽ có nhiều kiến thức nền tảng về việc kinh doanh hơn người không học.
Còn về việc các TikToker nói học Quản trị kinh doanh không thể đi làm sếp, bà Chi cho rằng các vị trí như quản lý, giám đốc là đích đến của một quá trình phát triển sự nghiệp của mỗi cá nhân, bất cứ ai cũng phải bắt đầu từ những công việc vị trí nhỏ nhất. Nếu được học về Quản trị kinh doanh, họ sẽ có cái nhìn bao quát hơn về việc vận hành công việc của mình.
Dưới góc nhìn của người làm hướng nghiệp, bà Phạm Chi cho rằng việc lựa chọn ngành nghề không xuất phát từ việc chọn nghề hot hay nghề không hot, nghề có giá trị hay không giá trị mà phải dựa trên 5 yếu tố cơ bản là sở thích, năng lực học tập, khả năng của bản thân, cá tính và giá trị nghề nghiệp muốn theo đuổi.
Ngoài ra, việc học đại học có thể giúp bạn tìm ra năng lực của bản thân và giúp bạn biết bạn đã thực sự phát triển năng lực của bản thân hay chưa. Trong thế giới nghề nghiệp biến động, các vấn đề về kinh tế - xã hội cũng biến động, thứ khiến cho lao động trẻ hoặc sinh viên sắp ra trường tin vào năng lực của bản thân chính là kiến thức và kỹ năng của mình.
“Nói chung, không tấm bằng đại học nào vô dụng. Giữa một người không có bằng đại học với một người có bằng đại học, dĩ nhiên con đường thăng tiến của người có bằng sẽ vững vàng hơn. Có thể ngay từ đầu tấm bằng đại học chưa cho bạn công việc tốt nhưng nó vẫn là một tấm vé 'bảo trợ' con đường nghề nghiệp của bạn”, bà Phạm Chi nhấn mạnh.
|
|||||||
Nhân Viên Kinh Doanh Phần Mềm MARKETING MOMA
Thành phố Hà Nội
7 - 10 triệu
Tuyển dụng Thực Tập Sinh Marketing Online tại Moma.vn
Thành phố Hà Nội
1 - 3 triệu
Tuyển dụng Thực Tập Sinh Nhân Sự Online tại Tiva.vn
Thành phố Hà Nội
1 - 3 triệu
TUYÊN DỤNG NHÂN VIÊN KINH DOANH LƯƠNG CỨNG 8-15 TRIỆU ĐI LÀM NGAY
10 -15 triệu
[Q1,2,7-HCM] Tuyển Kỹ thuật viên Body/foot/facial/nail/salon
Thành phố Hồ Chí Minh
15 - 20 triệu
Tuyển nhân viên trực fanpage – Hệ thống thời trang Magonn
Tuyển nhân viên phục vụ -MẸT Vietnamese Restaurant & Vegetarian
Tuyển nhân viên phục vụ – Nhà hàng mô hình bia tươi
Tuyển nhân viên phục vụ – Nhà hàng Phở 100