Nhảy việc thường xuyên đồng nghĩa với việc chúng ta là những người "thiếu trách nhiệm" và "không trung thành". Chính vì sợ bị nhận định nhưng thế mà rất nhiều bạn ngần ngại trong việc nhảy việc và dần thỏa hiệp với những khó khăn trong công việc. Nhưng những nhận định có chính xác hay không? Và bạn phải lựa chọn ra sao cho hành trình của mình đây?
Nhiều người tin rằng lịch sử chuyển đổi công việc nhiều lần gây ấn tượng không tốt cho nhà tuyển dụng. Nhà tuyển dụng có thể nghĩ bạn bất hoà với cấp trên, đồng nghiệp, bạn không hoàn thành tốt công việc tại công ty cũ, hoặc đơn giản là bạn thuộc tuýp người không trung thành.
Nhận định này không sai, và nỗi e ngại mang tên “không ổn định” cũng không thuộc riêng về bất kỳ cá nhân nào. Tuy nhiên trong giai đoạn hội nhập, tốc độ phát triển ấn tượng của kinh tế Việt Nam hiện nay đòi hỏi mọi người phải chuyển mình, trau dồi liên tục để có thể thích nghi cùng phát triển.
Doanh nhân kiêm tác giả cuốn Brazen Careerist: The New Rules for Success, Penelope Trunk gợi ý: “Chuyển việc là một bước đi tốt cho kế hoạch sự nghiệp. Lứa tuổi lý tưởng thường dưới 34 và thời gian ‘vàng’ để chuyển đổi công việc là ít nhất sau 03 năm làm việc. Khoảng thời gian đó là lúc cơ hội học hỏi của ta trong một môi trường bị bão hoà dần.”
Hãy thử tưởng tượng công ty của bạn là một ngôi trường. Liệu bạn có muốn ngồi mãi trong ngôi trường đó đến hơn 5,6 năm? Vì thế, theo một góc nhìn khác, có phần hiện đại hơn, việc mạo hiểm như nhảy việc cũng đáng để chúng ta thực hiện bởi nó mang lại những lợi ích cần thiết.
Khi sống trong một môi trường quá lâu, mối liên kết giữa bạn và thế giới rộng lớn ngoài kia sẽ dần mỏng manh hơn theo thời gian. Tương tự với đi làm, tầm nhìn của bạn theo thời gian dần bị thu hẹp vào môi trường làm việc quen thuộc.
Môi trường làm việc cũ không còn tạo cho bạn nhiều thử thách, trải nghiệm mới. Năng lực của bạn vô tình bị đóng khung trong bốn bức tường của công ty. Những ý tưởng thiếu tính đột phá, kết quả công việc không tạo ấn tượng đương nhiên dẫn đến mức lương thưởng của bạn cũng bị ‘đóng băng’ theo.
Trái lại, một người chuyển đổi công việc có kế hoạch cho phép bản thân nhiều lần vượt khỏi vùng an toàn. Kinh nghiệm “chinh chiến” tại nhiều mặt trận cùng kỹ năng “sống còn” dày đặc thường có giá hơn trong mắt các công ty. Họ không chỉ sở hữu sức đề kháng, mà còn sự đa năng, ứng biến giúp bản thân giải quyết những khó khăn bất ngờ.
Với những thế mạnh đó, người ứng tuyển có thể tự tin thương lượng và thuyết phục nhà tuyển dụng về mức lương cao phù hợp hơn với năng lực của mình.
Thay đổi môi trường giúp bạn rèn luyện kỹ năng nắm bắt tính cách và xu hướng làm việc của nhiều kiểu người khác nhau. Để thích nghi và hòa nhập với tập thể, bạn luôn phải linh hoạt trong cách ứng xử.
Những kỹ năng mềm của bạn, như giao tiếp và đàm phán, luôn được thử thách. Cùng với đó, bạn có cơ hội để thử nghiệm những thủ thuật giao tiếp mới. Bạn trang bị thêm thế mạnh nhạy bén và khéo léo khi giao tiếp với mọi người xung quanh. Từ đó, bạn biết cách quản lý, điều chỉnh yếu tố con người để hoàn thành công việc hiệu quả nhất.
Việc bạn không để bản thân mình dừng chân ở một nơi quá lâu đồng nghĩa với việc bạn không ngừng mở rộng mạng lưới xã hội của mình. Mạng lưới được mở rộng có thể mở ra những cơ hội không ngờ tới. Những người bạn mới quen có thể là những người đồng hành hỗ trợ bạn trong con đường sự nghiệp.
Qua nhiều năm làm việc tại một công ty, bạn tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm, năng lực của bạn được cấp trên thừa nhận. Thế nhưng vì nhiều lý do khách quan, tên của bạn lại mãi nằm trong danh sách “đề cử”, chưa có cơ hội được thăng chức chính thức.
Có thể bạn đã sẵn sàng để lên vị trí quản lý dự án, nhưng sếp của bạn – hiện đang đảm nhận vai trò đó – lại chưa sẵn sàng thay đổi vị trí. Có thể công ty hiện tại của bạn không có nhu cầu mở thêm vị trí quản lý, và ở lại đó đồng nghĩa với chấp nhận sự nghiệp của mình đi vào ngõ cụt. Trong khi đó, những công ty khác đang tìm kiếm một ứng cử viên với kinh nghiệm như bạn cho một vị trí cao hơn.
Nếu bạn tự tin với năng lực bản thân nhưng bế tắc trong thăng tiến, tại sao không thử sức ở một công ty khác – nơi có thể đáp ứng nguyện vọng xứng đáng này của bạn?
Khi đã quá quen thuộc với một loại công việc hoặc môi trường, sự hào hứng của bạn không còn nhiều, thay vào đó là sự chán chường. Đối mặt với những vấn đề lặp đi lặp lại, bạn cảm thấy bế tắc, ì trệ. Lối mòn trải nghiệm gây nên luồng suy nghĩ, mạch cảm xúc tiêu cực. Nó cũng không giúp bạn học hỏi thêm điều gì mới.
Vì vậy, thay đổi công việc trong trường hợp này có thể giúp bạn lấy lại được sự tươi mới, tích cực cho bản thân. Môi trường mới tạo điều kiện cho những mối quan hệ và thử thách mới. Sự tò mò, ham học hỏi của bạn được duy trì, khiến tinh thần làm việc của bạn “trẻ lâu” hơn. Những trải nghiệm cũ, thay vì khiến bạn chán nản, lại trở nên tích cực khi trở thành nền móng trong công việc mới.
“Bạn đã nhảy việc bao nhiêu lần rồi?” – câu hỏi mà chúng ta vẫn ngần ngại trả lời nhất khi đi phỏng vấn. Một phần vì chúng ta lo sợ việc bị đánh giá là người thiếu trung thành, không ổn định và quá thực dụng. Thậm chí, nhảy việc quá nhiều lần còn khiến hồ sơ xin việc bị dè chừng và đánh giá thấp. Chính vì thế, hầu hết chúng ta đều muốn ổn định tại một công ty, hạn chế nhảy việc nhiều lần. Tuy nhiên, vấn đề nào cũng có hai mặt. Nhảy việc cũng không hoàn toàn xấu, trong nhiều trường hợp đây còn là cơ hội để bạn học hỏi và phát triển sự nghiệp của mình. Nhưng lợi dụng nhảy việc để nhanh chóng thăng tiến, tăng chức hay tăng lương khi kinh nghiệm chưa đủ thì rất nguy hiểm cho sự nghiệp của chính mình. Vì thế, bạn chỉ nên thực sự suy nghĩ đến nhảy việc khi cảm thấy năng lực đã ổn định và đã sẵn sàng đương đầu với các thử thách mới trong hành trình sự nghiệp. Và đâu là thời điểm mà bạn nên nhảy việc, sau 1 năm, 3 năm hay là 5 năm? Thời gian này không cố định mà phụ thuộc hoàn toàn vào lựa chọn của bạn. Vì chỉ khi nào bạn thực sự sẵn sàng thì nhảy việc mới mang lại thành công. |
| |||||||