Lao động sẽ bị sốc nếu chọn phương án rút bảo hiểm xã hội một lần còn 50% vì cho rằng quyền lợi bị giảm, theo Chủ tịch công đoàn Công ty Pouyuen Việt Nam.
Nội dung được ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân), nêu tại hội nghị tiếp xúc của Đoàn đại biểu quốc hội TP HCM với cử tri là công nhân lao động, chủ doanh nghiệp, chiều 18/10.
Pouyuen là doanh nghiệp đông lao động nhất thành phố có thời điểm lên đến hơn 90.000 người. Đây cũng nơi xảy ra cuộc ngừng việc năm 2015 để phản ứng Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Sau đó, Quốc hội ra Nghị quyết 93 tiếp tục cho phép lao động rút bảo hiểm sau một năm nghỉ việc.
Chủ tịch công đoàn Công ty Pouyuen Việt Nam Củ Phát Nghiệp. Ảnh: An Phương
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi hiện có hai phương án về rút BHXH một lần. Phương án một, chỉ nhóm tham gia trước khi luật có hiệu lực (dự kiến trước 1/7/2025) mới được rút. Nhóm đóng sau thời điểm này không được rút, trừ người đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư; mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
Phương án hai, không phân biệt thời gian đóng, tất cả lao động đóng dưới 20 năm, sau một năm chưa tham gia hệ thống đều được rút nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất. Số năm còn lại được bảo lưu hưởng chế độ.
Ông Nghiệp cho rằng rất nhiều công nhân mang sẵn tâm lý rút bảo hiểm, nên khi nhắc đến phương án cho rút nhưng không quá 50% sẽ lo lắng.
"Họ không cần quan tâm đến đoạn sau nữa mà sẽ ồ ạt nghỉ việc để rút. Điều này còn rủi ro nhiều hơn cho hệ thống bảo hiểm và doanh nghiệp thiếu người sản xuất", ông Nghiệp nói. Qua thăm dò ý kiến công nhân, công đoàn Pouyuen đề xuất chọn phương án một.
Theo ông Nghiệp trước mắt phương án này giúp ổn định được tình hình. Về lâu dài chính quyền cần thông tin về các chính sách dành cho người hưởng hưu trí hấp dẫn hơn để họ ở lại hệ thống. Đặc biệt, những người tham gia từ 1/7/2025 sẽ không được rút nữa. Như vậy, Việt Nam sẽ dần tiến giới giải quyết dứt điểm tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần.
Công nhân công ty Pouyuen, quận Bình Tân sau giờ làm, năm 2021. Ảnh: Quỳnh Trần
"Tôi ủng hộ người lao động về già có lương hưu", ông Nghiệp nói. Thời gian qua, để tuyên truyền trong công nhân, ông luôn so sánh giữa về già nhận lương hưu và rút một lần, minh họa từ trường hợp công ty. Người có lương hưu sống sẽ tự tin hơn, bảo hiểm y tế lo suốt đời, khi mất có mai táng phí, tiền tuất nên "không phiền lụy đến ai". Người rút một lần tiêu hết, giờ uống ly cà phê phải xin con cái.
"Nhiều công nhân hiểu sẽ tiếp tục làm việc và đã tích lũy hơn 20 năm nên chắc chắn ở lại hệ thống", ông Nghiệp cho biết.
Tương tự, ông Trần Anh Kiệt, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hitachi Zosen Việt Nam (quận 1), cho rằng lần sửa luật này cần chọn phương án giúp chấm dứt tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần.
"Thế giới không ai cho rút như Việt Nam, tại sao ta cứ duy trì", ông Kiệt nói và phân tích lý do người lao động đưa ra để rút bảo hiểm là chê lương hưu thấp. Tuy nhiên, lương hưu theo nguyên tắc đóng – hưởng. Lúc đi làm lao động chỉ thích đóng nhích hơn mức tối thiểu vùng thì không thể đòi hỏi lương hưu trí cao.
Theo ông Kiệt, lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thấp gây nhiều hệ lụy. Cụ thể, với chế độ ngắn hạn số tiền nhận được khi sinh con, thất nghiệp thấp nên người lao động thấy bảo hiểm không hấp dẫn. Về già lương hưu thấp, họ lại muốn rút một lần. Do đó muốn xử lý triệt để các vấn đề, quy định đóng bảo hiểm cần dựa trên thu nhập thực tế.
triệu đồngLương bình quân làm căn cứ đóng BHXH của các khối doanh nghiệpGiai đoạn 2016 - 2021Doanh nghiệp nhà nướcFDINgoài quốc doanh2016201820203.7544.254.54.7555.255.55.7566.256.56.757Nguồn Molisa2017● Doanh nghiệp nhà nước: 5.5
Đồng quan điểm, Chủ tịch Liên đoàn lao động TP HCM Trần Thị Diệu Thúy nói rằng chế độ hưu trí tuân theo nguyên tắc đóng – hưởng nên "đóng thấp thì không thể hưởng cao". Vì vậy dự thảo đưa phương án mức đóng thấp nhất chỉ bằng một nửa lương tối thiểu vùng (Vùng I như TP HCM là 4,68 triệu đồng) là chưa hợp lý.
"Người lao động muốn nhận lương hưu ít nhất bằng tối thiểu vùng nhưng mức đóng thấp nhất chỉ 2,34 triệu đồng thì mong muốn đi vào ngõ cụt", bà Thúy nói. Bên cạnh nâng mức đóng tối thiểu, bà Thúy đề nghị công đoàn tại doanh nghiệp phải đấu tranh để mức đóng bảo hiểm tại doanh nghiệp đúng bằng thu nhập thực lãnh để cải thiện các chế độ cho lao động.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó đoàn Đại biểu quốc hội TP HCM, cho rằng tình trạng tách lương, đưa vào các khoản phụ cấp để né đóng bảo hiểm đang tồn tại rất nhiều.
"Tôi đi giám sát, doanh nghiệp nói làm thế vì có sự đồng thuận của lao động", bà Tuyết nói, thêm rằng "chẻ" lương để đóng bảo hiểm thấp chỉ có lợi cho doanh nghiệp do đóng 21,5%. Còn người lao động đóng 10,5%, trước mắt có thể nhận được một ít tiền nhưng lâu dài rất thiệt thòi, đặc biệt lương hưu rất thấp.
Từ đó bà Tuyết đề nghị khi tham gia xây dựng thang bảng lương, công đoàn phải đưa được các khoản thu nhập có tính chất cố định vào lương để đóng bảo hiểm. Cùng với đó, tổ chức công đoàn phải giải thích cho công nhân hiểu. Ngoài ra, bảo hiểm xã hội cần liên kết với cơ quan thuế, ngân hàng để truy được lương thực lãnh của lao động, chấm dứt tình trạng một doanh nghiệp có 2-3 bảng lương.
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/7/2025.
|
|||||||
Nhân Viên Kinh Doanh Phần Mềm MARKETING MOMA
Thành phố Hà Nội
7 - 10 triệu
Tuyển dụng Thực Tập Sinh Marketing Online tại Moma.vn
Thành phố Hà Nội
1 - 3 triệu
Tuyển dụng Thực Tập Sinh Nhân Sự Online tại Tiva.vn
Thành phố Hà Nội
1 - 3 triệu
TUYÊN DỤNG NHÂN VIÊN KINH DOANH LƯƠNG CỨNG 8-15 TRIỆU ĐI LÀM NGAY
10 -15 triệu
[Q1,2,7-HCM] Tuyển Kỹ thuật viên Body/foot/facial/nail/salon
Thành phố Hồ Chí Minh
15 - 20 triệu
Tuyển nhân viên trực fanpage – Hệ thống thời trang Magonn
Tuyển nhân viên phục vụ -MẸT Vietnamese Restaurant & Vegetarian
Tuyển nhân viên phục vụ – Nhà hàng mô hình bia tươi
Tuyển nhân viên phục vụ – Nhà hàng Phở 100